SỮA HẠT TỪ A ĐẾN Z

Thursday,
09/11/2023

BẮT ĐẦU VỚI SỮA HẠT NHƯ THẾ NÀO
với 3 phần chính: DỤNG CỤ, NGUYÊN LIỆU VÀ CÁCH LÀM

1.PHẦN DỤNG CỤ: LÀM SỮA HẠT BẰNG MÁY XAY SINH TỐ HAY MÁY LÀM SỮA?

Làm sữa hạt có thể dùng máy sinh tố (cần làm thủ công các khâu từ xay, lọc, đun) hoặc dùng máy làm sữa hạt (tích hợp hết các công đoạn). Theo kinh nghiệm cá nhân thì MÌNH KHUYÊN CÁC BẠN NÊN DÙNG MÁY LÀM SỮA HẠT vì những ưu điểm sau:

SÁNH MỊN, TẬN DỤNG ĐƯỢC BÃ: Điểm tuyệt vời nhất là máy làm sữa hạt là tạo ra sản phẩm sánh mịn mà gần như không cần lọc vì chức năng xay nhuyễn mạnh mẽ. Đa số các máy vẫn có kèm bộ phận lọc có thể tháo lắp nhưng mình không dùng đến, vì các loại sữa mình làm thì đều mịn hoàn toàn. Do không lọc bã nên chúng ta có thể tận hưởng trọn vẹn dinh dưỡng của các nguyên liệu. Trong khi đó xay bằng máy sinh tố thực sự khá phí vì phải bỏ phần cốt (việc tận dụng bã làm bánh hay món ăn khác mình ít khi thực hiện thường xuyên vì mất thời gian và không phải lúc nào cũng có nhu cầu ăn các món đó)

TIẾT KIỆM CÔNG SỨC, THỜI GIAN: Đỡ được các khâu lích kích như xay, lọc, đun, canh bếp mà khi làm thủ công, mình mất khoảng 20-25 phút. Với máy làm sữa, tất cả những gì chúng ta cần làm là cho nguyên liệu vào, sau đó trong lúc máy hoạt động, chúng ta có thể tranh thủ thời gian làm rất nhiều việc khác. Khi làm xong thì máy tự động ngắt và báo hiệu. Tổng thời gian chúng ta thực sự bỏ vào việc làm sữa hạt bằng máy chỉ khoảng 7-10 phút (bao gồm thời gian ngâm hạt từ tối hôm trước cộng với thời gian cho nguyên liệu vào máy, bao gồm một số nguyên liệu cần sơ chế nhanh như ngô, khoai, bí đỏ).

 ❤GIÁ CẢ HỢP LÝ: Mình đầu tư 1 chiếc máy thuộc dạng phân khúc giá rẻ (Tầm 1.8 triệu) nhưng mình thấy máy chạy rất ổn và sản phẩm khiến mình rất ưng ý: đó là những ly sữa hạt thực sự chất lượng, nguyên vẹn dinh dưỡng, tiết kiệm thời gian và công sức.

Lưu ý: Nên chọn máy dung tích từ 1,5 lít, công suất 500W trở lên để có thể chế biến các loại nguyên liệu cứng (như gạo lứt, diêm mạch, đỗ đen…) thành sữa sánh mịn.

2. PHẦN NGUYÊN LIỆU:

HIỂU VỀ NGUYÊN LIỆU: (Các nguyên liệu các bạn có thể mua tại đây)

Có 5 nhóm nguyên liệu để làm sữa hạt.

Nhóm 1 - Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt điều, macca, hạt bí, hướng dương, hạt sen, mè đen, gai dầu…

Nhóm 2 - Đậu: Đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu gà...

Nhóm 3 - Rau củ: Khoai lang, bí đỏ, ngô.. 

Nhóm 4 - Ngũ cốc: Gạo lứt, diêm mạch, kê, yến mạch

Nhóm 5 - Nguyên liệu tạo hương vị/ tạo ngọt gồm: 

Đường: Nên sử dụng các loại đường có vị trung tính và nhẹ nhàng như Đường nâu, Đường phèn, Quả chà là (dates), Siro lá phong, Đường thốt nốt...Chất tạo ngọt có vị mạnh và màu đậm như mật mía hay đường dừa sẽ ảnh hưởng đến hương vị và màu sắc của sữa. Còn đường cỏ ngọt stevia tuy ưu điểm là 0 calo nhưng có cảm giác lợ và hậu vị đắng.

Lưu ý: Các đường dạng hạt nhỏ như đường nâu nên cho sau khi sữa đã nấu xong vì trong quá trình nấu, các hạt này sẽ dễ lọt xuống mâm nhiệt gây hại cho phần cối.

Muối hồng Himalaya/muối hầm

Bột quế, cacao, tinh chất vani 

CÁCH PHỐI NGUYÊN LIỆU:

Mỗi loại sữa hạt chỉ cần dùng tối thiểu 3 nguyên liệu là đã có thể tạo thành món sữa hoàn chỉnh rồi:

  • Một là 1 loại hạt để tạo độ ngậy béo
  • Hai là 1 nguyên liệu trong nhóm Đậu/Rau củ/ Ngũ cốc để tạo hương vị và thêm chất dinh dưỡng
  • Ba là 1 loại chất tạo ngọt+ 1 nhúm muối (không bắt buộc)

Tỉ lệ nguyên liệu nước:

Thông thường cứ 100-150 gram nguyên liệu thì dùng 1 lít nước (Có thể điều chỉnh độ đặc loãng tùy thích bằng việc thêm hay bớt nước lại)

Khả năng SÁNG TẠO với SỮA HẠTVÔ BIÊN BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ LÀM.

Mỗi ngày bạn có thể dựa trên công thức cơ bản và thay đổi bằng những nguyên liệu khác nhau để tạo nên hương vị yêu thích. Ví dụ ngày 1 dùng óc chó với đỗ đen, ngày 2 dùng óc chó với đỗ xanh, ngày 3 dùng hạnh nhân với khoai lang…

Rồi đến khi làm quen rồi thì bạn có thể thử kết hợp thêm 1-2 nguyên liệu mới như: ngày 1 thêm bột cacao vào sữa hạnh nhân đỗ đen, ngày 2 thêm ngô vào sữa óc chó đỗ xanh, ngày 3 thêm bột quế vào sữa hạnh nhân khoai lang… 

3. PHẦN CÁCH LÀM:         

Đối với máy làm sữa hạt, chúng ta chỉ cần thực hiện 3 bước cơ bản

BƯỚC 1: NGÂM NGUYÊN LIỆU

Ngâm hạt có tác dụng trung hòa chất ức chế enzyme hay loại bỏ acid phytic giúp tiêu hóa dễ dàng.

Theo như bảng thời gian ngâm các loại hạt và ngũ cốc trên mạng thì thời gian ngâm mỗi loại có sự khác nhau (tuy không đáng kể) nhưng rất khó nhớ và bất tiện khi căn đúng thời gian ngâm từng loại. Sau khi nghiên cứu các tài liệu nước ngoài thì mình thấy thời gian ngâm hợp lý cho hầu hết các loại hạt và ngũ cốc là NG M QUA ĐÊM (trừ macca, hạt Brazil, yến mạch và gai dầu không cần ngâm). Tức là trước khi đi ngủ chúng ta ngâm và sáng hôm sau làm sữa. Nếu như trong ngày chúng ta muốn làm sữa mà không kịp ngâm qua đêm thì ta có thể ngâm nước nóng 1-2 tiếng.

BƯỚC 2: SƠ CHẾ NGUYÊN LIỆU, CHO VÀO MÁY

Một số công thức cho người bắt đầu như:

  • Hạnh nhân + gạo lứt
  • Óc chó + đỗ đen
  • Macca + khoai lang
  • Hạt điều + đậu lăng

Mình demo 1 công thức:

50 gram hạnh nhân và 50 gram gạo lứt (trộn 2 loại đen và đỏ) ngâm qua đêm

Hôm sau bỏ nước ngâm. Cho nguyên liệu vào cối làm sữa cùng 1 lít nước, 1 nhúm muối và 2 viên đường thốt nốt. Nhấn nút và đi nghỉ ngơi làm việc khác. Máy làm xong sẽ ting ting báo. Cực nhàn và hạnh phúc🥰

BƯỚC 3: BẢO QUẢN

Sữa hạt uống tươi ngay sau khi làm là ngon nhất. Sau đó sữa có thể được bảo quản ấm trong bình giữ nhiệt. Hoặc bạn có thể để trong chai thủy tinh hoặc nhựa BPA chịu nhiệt (giúp không biến chất, kết độc nếu nhiệt độ quá nóng/lạnh) và bảo quản lạnh.

Dù về lý thuyết sữa hạt có thể cất ngăn mát tủ lạnh được 2-3 ngày nhưng mình khuyên các bạn nên làm một mẻ vào buổi sáng và uống hết trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng và độ tươi ngon.

icon
popup

Số lượng:

Tổng tiền: