CƠM LỨT VÀ 4 LOẠI CƠM LỨT TRỘN ĐẬU

Thursday,
09/11/2023

Cơm lứt vượt trội cơm gạo trắng về hàm lượng dinh dưỡng và khả năng giúp no lâu. Tuy nhiên nhiều người ái ngại vì sợ cơm gạo lứt khô, phải nhai lâu, hương vị hơi ngang. Thực tế thì cơm gạo lứt rất ngon dẻo, chỉ là chúng ta cần để ý cách nấu thôi. Mình sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu cơm gạo lứt cơ bản và cách kết hợp với các loại đậu để có một bữa ăn ngon lành đủ chất mà còn tiện lợi mang đi làm nữa.  

Hiện tại gạo lứt có rất nhiều loại và nhãn hiệu, về tổng quát mình thấy có thể chia thành 3 loại phổ biến: nâu, đỏ và đen. Tất cả đều rất bổ dưỡng nhưng loại đỏ là có tính dương (giúp quân bình cơ thể) và chất chống oxy hóa nhiều nhất, tuy nhiên lại khô nhất. Loại đen ăn rất mềm và thơm nhưng lại dễ bị nấu thành nát. Loại nâu có kết cấu trung bình, không khô không nát nhưng đa số hương vị lại không đậm đà lắm. Vậy nên cách nấu ngon nhất mình thấy là kết hợp cả 3 loại nâu, đen, đỏ hoặc 2 loại đen và đỏ. Cơm nấu ra sẽ vừa vặn dẻo thơm rất ngon. 

Khác với gạo trắng, gạo lứt cần ngâm qua đêm hoặc ít nhất 8 tiếng để gạo dẻo hơn và loại bỏ một số chất khó tiêu hóa. Khi nấu cần bỏ nước ngâm, vo sạch và nấu bằng nước mới. Đồng thời chúng ta có thể nấu kết hợp với 1 quả mơ muối lâu năm và 1 tấm rong biển kombu (còn gọi là phổ tai) bán tại các tiệm thực dưỡng để trung hòa tính axit trong gạo và khiến cơm ngon hơn.

Theo phương pháp thực dưỡng thì nấu cơm gạo lứt bằng nồi đất cách thủy sẽ bảo toàn tối đa dinh dưỡng hạt gạo nhưng khá cầu kì. Tuy nhiên chúng ta có thể nấu bằng nồi cơm điện thông thường vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà tiện lợi. 

Cách đong nước thì thường là 1 gạo: 1.5 nước cho nồi áp suất và 1 gạo: 2 nước cho nồi cơm điện. Nhưng lượng nước sẽ phụ thuộc rất nhiều vào loại gạo và loại nồi bạn dùng. Vậy nên từ tỉ lệ trong công thức của mình, bạn có thể điều chỉnh một chút lượng nước để cơm dẻo tơi vừa nhất. 

Khi cơm đã chuyển sang chế độ chín thì các bạn hãy chờ thêm 10-15 phút để cơm ngấm hết lượng hơi nước cho kết cấu tơi xốp nhất. 

CƠM LỨT CƠ BẢN

CÔNG THỨC CƠM LỨT CƠ BẢN
Khẩu phần: 2 phần ăn

Nguyên liệu:

150 gram gạo (có thể dùng 50 gram mỗi loại nâu, đỏ, đen hoặc 75 gram đen và 75 gram đỏ) (Các bạn có thể mua tại đây: gạo lứt đỏ, gạo lứt đen)

1 nhúm muối (Các bạn có thể mua tại đây)

1 tấm rong biển kombu (không bắt buộc)

1 quả mơ muối (không bắt buộc)

Nước

Muối mè đen ăn kèm.

Cách làm:

Ngâm gạo qua đêm hoặc ít nhất 8 tiếng.

Sau khi đủ thời gian ngâm, bỏ nước ngâm và vo sạch.

Cho gạo, nước, muối, mơ muối và rong biển vào nồi. Bật nút nấu.

Khi cơm báo đã chín. Chờ thêm 10-15 phút nữa để cơm ngấm hơi nước chín kĩ hơn.

CƠM LỨT TRỘN ĐẬU

CƠM LỨT TRỘN DIÊM MẠCH ĐẬU LĂNG
Đậu lăng nấu cùng gạo lứt và diêm mạch sẽ làm mềm kết cấu của món ăn và tạo ra vị đậm đà ngon miệng. Đây còn là món cơm cân bằng dinh dưỡng vì bản thân diêm mạch và đậu lăng đã là hai thực phẩm rất giàu đạm. 

Nguyên liệu:

80 gram gạo lứt  (Các bạn có thể mua tại đây: gạo lứt đỏ, gạo lứt đen)

40 gram diêm mạch, rửa sạch, không cần ngâm (Các bạn có thể mua tại đây)

40 gram đậu lăng đỏ, rửa sạch, không cần ngâm (Các bạn có thể mua tại đây)

1 tấm rong biển kombu (không bắt buộc)

1 quả mơ muối (không bắt buộc)

1 nhúm muối (Các bạn có thể mua tại đây)

CƠM LỨT TRỘN ĐẬU ĐỎ
Mình hay dùng xích tiểu đậu (đậu đỏ hạt nhỏ) để nấu cùng cơm gạo lứt. Loại đậu này có tác dụng thanh nhiệt và bồi bổ cơ thể rất tốt. 

Nguyên liệu:

100 gram gạo lứt (Các bạn có thể mua tại đây: gạo lứt đỏ, gạo lứt đen)

50 gram đậu đỏ, ngâm qua đêm (Các bạn có thể mua tại đây)

1 tấm rong biển kombu (không bắt buộc)

1 quả mơ muối (không bắt buộc)

1 nhúm muối (Các bạn có thể mua tại đây)

CƠM LỨT TRỘN KÊ ĐẬU XANH
Gạo lứt, kê và đậu xanh kết hợp với nhau rất hoàn hảo và tạo ra một hương vị bùi bùi dẻo dẻo truyền thống rất Việt Nam.

Nguyên liệu:

80 gram gạo lứt (Các bạn có thể mua tại đây: gạo lứt đỏ, gạo lứt đen)

40 gram hạt kê, ngâm qua đêm (Các bạn có thể mua tại đây)

40 gram đậu xanh, ngâm qua đêm

1 tấm rong biển kombu (không bắt buộc)

1 quả mơ muối (không bắt buộc)

1 nhúm muối (Các bạn có thể mua tại đây)

CƠM LỨT ĐẬU GÀ
Sự xuất hiện của đậu gà đã thổi hồn vào món cơm khiến nó thêm phần hấp dẫn. Kết cấu bở của đậu gà kết hợp cùng độ dẻo của cơm gạo lứt rất vừa miệng và còn bổ sung lượng đạm dồi dào cho một bữa ăn tinh gọn. 

Nguyên liệu:

100 gram gạo lứt (Các bạn có thể mua tại đây: gạo lứt đỏ, gạo lứt đen)

50 gram đậu gà, ngâm qua đêm (Các bạn có thể mua tại đây)

1 tấm rong biển kombu (không bắt buộc)

1 quả mơ muối (không bắt buộc)

1 nhúm muối (Các bạn có thể mua tại đây)

CÁCH LÀM CHUNG:

  • Tỉ lệ nguyên liệu với nước là 1:1,5

Tuy nhiên các bạn có thể điều chỉnh lượng nước vì các loại gạo khác nhau và nồi cơm điện khác nhau sẽ đòi hỏi lượng nước khác nhau. 

  • Cho tất cả nguyên liệu vào nồi cơm điện và bật nút nấu. 
  • Khi cơm báo đã chín. Chờ thêm 10-15 phút nữa để cơm ngấm hơi nước chín kĩ hơn.
icon
popup

Số lượng:

Tổng tiền: